Liên Kết Website

Thống Kê Website

Đang online

380

Tháng hiện tại

2163326

Tháng trước

1338883

Lượt truy cập

19160234

Quá trình hoạt động

CHUYẾN TỪ THIỆN XUYÊN VIỆT LẦN THỨ 7 – 2014

Đăng ngày: 19/09/2015 Lượt xem: 19929

Tình Thương Không Biên Giới

(Chuyến từ thiện xuyên Việt lần thứ 7 – 2014)

     Những ngày đầu xuân năm 2014, đoàn từ thiện Bàn Tay Nhân ái chúng tôi trở về quê hương Việt Nam để thực hiện chuyến từ thiện xuyên việt lần thứ 7.  Trong khí trời tràn ngập xuân yêu thương, nhưng đâu đó vẫn còn có những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh đang cần sự giúp đỡ của những trái tim từ bi, của tình thương nhân ái.  Mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều cảm thấy phấn khởi, nôn nao vì mình được đóng góp một phần sức lực, thời gian chuyên chở đầy ấp tình thương của những người con Việt xa xứ đã đóng góp tịnh tài, tịnh vật, chia sẻ niềm yêu thương đến với đồng bào nghèo ở quê nhà.

     Sáng ngày 24/2/2014, xe chuyển bánh từ Sài Gòn trực thẳng đến Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.  Thành phố miền duyên hải này thật nên thơ, nhưng chúng tôi không phát quà tại nơi này mà tiếp tục chuyển bánh vào vùng sâu xa nơi có rất nhiều người Việt, Chăm sinh sống.  Điểm phát quà là Tịnh Xá Liên Hoa, Xã Hàm Phú, Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận.

     Khi xe vừa đến nơi, chúng tôi thấy đồng bào đã tề tựu đông đảo dưới sân chùa.  Trong hơn 200 trăm đôi mắt ấy ánh lên niềm hy vọng thấy mà thương.  Chúng tôi thăm hỏi đồng bào dân cư ở vùng sâu này làm gì để sống qua ngày và chạnh lòng khi biết được nhiều người sống bằng nghề lượm phân bò.  Có những em nhỏ khi đi học về phải làm thuê, làm mướn phụ giúp gia đình, nhiều em phải nuôi ngược lại cha mẹ.  Chúng tôi thật xúc động khi thấy các em đã không vì thế mà sa sút trong việc học hành, không vì bão táp mà ngã tay chèo, vì tin tưởng rằng chỉ có học vấn mới có thể thay đổi cuộc đời vơi bớt cảnh nghèo khổ.  Các em đã cố gắng vươn lên để dành lấy được học bổng từ những nhà hảo tâm mà đoàn từ thiện Bàn Tay Nhân Ái về đây nâng đở.  

     Nơi đây Hội đã giúp gạo định kỳ hằng tháng cho 47 đối tượng già yếu neo đơn, tật nguyền, không nơi nương tựa, 11 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học trong suốt 1 năm qua.  Chuyến này về chúng tôi thăm hỏi và tặng thêm quà cho họ.  Đồng thời tặng 10 chiếc xe lăn và quà cho những đối tượng tàn tật và 120 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn chưa được Hội bảo trợ và những em học sinh nghèo chưa được cấp học bổng.  Tất cả họ nhận những phần quà với ánh mắt thầm cảm ơn sâu sắc đến với những người tặng quà.  Chúng tôi chia tay mọi người trong niềm thương yêu, ấm áp tình người.

      Sáng ngày 25/2/14.  Tiếp tục cuộc hành trình cho điểm phát quà thứ hai trong chuyến đi, Chùa Phước Minh, Xã Hàm Kiệm, Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận.   Tại đây chúng tôi và những người nhận quà được dịp lắng nghe một vị Hòa Thượng giảng về Phật pháp với đề tài “Phật Tại Trong Tâm”.  Ngài nói nơi đâu cũng có phật, bất cứ mỗi hành động, mỗi tư tưởng phát khởi đều có phật chứng minh, vì phật luôn ngự trị trong tâm thức của mỗi người.  Chúng ta luôn lưu tâm đến những cử chỉ hành động, lời nói và tư tưởng là liền có phật trong ta. Trong đời sống, nếu chúng ta có đủ tinh tế sẽ phát hiện ra nhiều điều hạnh phúc tiềm ẩn, như niềm vui trong đạo, dìu dắt nhau trong cuộc sống thì dù đời sống có nghèo đi chăng nữa, chúng ta vẫn có hạnh phúc.  Những lời quá trung thực của ngài đã cảnh tỉnh được rất nhiều người.

     Tại đây Hội đã bảo trợ gạo định kỳ hằng tháng cho 45 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học bổng cho 20 em học sinh nghèo được 2 năm.  Chuyến này về chúng tôi tặng quà đột xuất cho 30 em học sinh khác, 5 chiếc xe đạp cho những em học sinh thiếu phương tiện đến trường, 9 xe lăn cho những đối tượng tàn tật và 100 phần quà đột xuất cho những đối tượng khó khăn chưa được Hội bảo trợ.

     Từ chùa Phước Minh, chúng tôi vượt những chặng đường đèo eo hẹp 200 km để đến Chùa Gia Viễn, Huyện Cát Tiên, Tỉnh Lâm Đồng trong chiều cùng ngày.  Chúng tôi không ngăn được sự xúc động khi nhìn thấy những em bé bị khuyết tật từ lúc mới ra đời, có những người vì tai nạn mà nay phải mang thân tàn tật suốt cuộc đời.  Chúng tôi không cầm lòng nổi khi thấy những cụ già neo đơn, không con cháu, run rẩy từng bước đi nhận quà.  Nhìn họ mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa cho những cảnh đời sao quá cơ cực.

     Tại đây đoàn đã trao tặng 43 suất gạo định kỳ hằng tháng và 11 em học sinh được cấp học bổng cách đây gần 1 năm.  Chuyến này về, chúng tôi giúp thêm 30 em học sinh nghèo khó khăn được nhận những phần quà đột xuất, 8 chiếc xe đạp và 150 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác.  Mặt trời đã khuất sau rặng núi, chúng tôi chia tay chùa Gia Viễn, tạm biệt những mảnh đời lam lũ với niềm tin ngày mai đời sống họ sẽ được tốt đẹp hơn

.

     Sáng ngày 26/2/14, chúng tôi có mặt tại Tịnh Xá Ngọc Hưng, Xã Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng.  Miền cao nguyên có rất nhiều người dân tộc sinh sống.  Họ làm việc vất vã với những đống lương ít ỏi như cạo cao su, làm mướn hay cạo hạt điều.  Có nhiều cụ già neo đơn, một thân một mình sống lây lất qua ngày, không người thân, không nơi nương tựa. Những mạnh thường quân chạnh lòng đeo vào tay các cụ những xâu chuỗi gieo duyên với phật pháp, hy vọng với những câu niệm phật làm bình an tâm hồn các cụ.

      Hội đã cấp 47 suất gạo định kỳ hằng tháng cho các cụ già neo đơn cách đây trên 3 năm và 16 em học sinh nghèo được cấp học bổng cách đây 1 năm.   Chuyến này về, chúng tôi tặng 30 phần quà đột xuất cho các em học sinh nghèo hiếu học khác, 12 xe đạp cho những em thiếu phương tiện đến trường, 5 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, và 100 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn chưa được Hội bảo trợ.  Những phần quà chúng tôi mang đến như là những lời thăm hỏi, sẻ chia, động viên tinh thần những mảnh đời gian khó.

      Sáng ngày 28 tháng 2, chúng Tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng đến Chùa Long Cát, Xã Xóm Đèn, Huyện Hàm Thuận Nam ,Tỉnh Ninh Thuận. Vùng đất nơi đây thiếu mưa, thừa nắng, khô hạn triền miên nên cuộc sống bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn.  Họ phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau để trang trãi cuộc sống gia đình.  Cái nghèo khó, bệnh tật còn đeo bám họ như hình với bóng.  43 suất gạo định kỳ hằng tháng và 10 phần học bổng đã được cấp nơi đây gần 1 năm.  Chuyến này về, chúng tôi tặng 8 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, 23 suất quà cho những em học sinh chưa có người bảo trợ, 10 chiếc xe đạp cho các em học sing nghèo thiếu phương tiện đến trường và 129 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn chưa được Hội bảo trợ.

     Sau khi phát quà xong, chúng tôi đã đến thăm vài gia đình của bà con dân tộc Răclây.  Thật xót xa khi chúng tôi đến thăm nhà bà Cụ Chamalie Thị Hoa, 83 tuổi.  Cụ sống đơn độc một mình trong căn nhà xiêu vẹo, trống trước hở sau, không còn đủ ấm trong những ngày mưa to gió lớn.  Cuộc sống sinh hoạt của cụ bà quá đỗi đơn sơ.  Quanh quẩn chỉ là cái sạp bằng tre, vài cái nồi móp méo và vài bộ quần áo không còn lành lặn.   Chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi nghe bà tâm sự: “Hằng ngày bà phải mang chiếc gùi trên cái lưng còng nhỏ bé lang thang đi khắp những cánh đồng lượm từng cục phân bò đem về phơi khô, 4-5 ngày mới được 1 bao rồi đem bán được chừng 25.000 đồng.  Tại nơi xóm nghèo này vẫn còn rất nhiều mảnh đời có cuộc sống cơ cực như bà.  Chúng tôi chỉ biết lặng người để chia sẻ với cụ bằng lòng yêu thương qua một chút tịnh tài rồi lặng lẽ chia tay trong niềm thương cảm.  Chỉ còn lại mình bà bên mái tranh nghèo với tiếng côn trùng rỉ rách trong đêm.

     Chúng tôi đến Chùa Quảng Đức, Huyện Vĩnh Khánh, Tỉnh Khánh Hòa trong chiều cùng ngày.  Dưới sân chùa, mọi người đã tập trung rất đông với những gương mặt già nua cằn cỗi, bệnh tật, mù lòa.  Bà con nơi đây đa phần là người dân tộc Răclay.  Hầu hết họ đều sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo đói, đời sống gian khổ tù túng thiếu thốn mọi bề.  46 Suất quà định kỳ hằng tháng và 7 học sinh nghèo đã được Hội bảo trợ cách đây gần 1 năm.  Chuyến này về chúng tôi tặng 3 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học và 120 phần quà đột xuất gửi cho những mảnh đời kém may mắn, trong đó có 20 em học sinh nghèo chưa được Hội cấp học bổng.   Chúng tôi cảm nhận được ở các em qua nét mặt lẫn ánh mắt rằng các em rất muốn vươn lên để thoát cuộc đời lam lũ, vươn lên bằng một hướng đi trí tuệ.  Chúng tôi nở nụ cười chia sẻ sự hân hoan của các em khi các em nhận được phiếu học bổng.  Trong mắt các em rạng ngời một chân trời mới, một tương lai có thể cứu vãn được bản thân mình và gia đình.  Trước khi nhận phiếu học bổng, các em đã đứng lên cảm tạ những mạnh thường quân đã chia sớt phần riêng của mình, bảo bọc cho các em bớt đi phần lo toan về học phí.

    Rời Khánh Hòa, chúng tôi vội vã lên đường để kịp đến với bà con nghèo tại Chùa An Ninh, Huyện Phú Hòa, Tỉnh Phú Yên. Tại đây 50 đối tượng được Hội bảo trợ gạo hằng tháng cách đây trên 3 năm, 17 em học sinh nghèo được cấp học bổng được 1 năm.  Trong chuyến từ thiện lần này, Hội trao tặng 4 chiếc xe lăn cho những người khuyết tật, 20 phần quà đột xuất cho các em học sinh nghèo chưa được Hội cấp học bổng và 200 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn khác.

     Sau khi phát quà xong chúng tôi đến viếng thăm cụ Bùi Thị Hỉnh, 75 tuổi.  Cụ mang bệnh tai biến mạch máu não, nhưng phải nuôi một người con tâm thần.  Thêm một hoàn cảnh nữa cũng rất thương tâm.  Một bà lão  85 tuổi phải chăm sóc 2 người con mang bệnh bại não, nằm một chổ suốt bao năm qua.  Được biết bà lão không có nguồn sinh nhai nào, chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của bà con xa gần.  Rời nhà bà, đoàn chúng tôi lẵng lặng không ai nói với ai lời nào, chỉ nhận thấy rằng con người đều có số mệnh đã đặt sẵn.  Tại sao bên cạnh căn nhà ngói sang trọng lại có một căn nhà lụp xụp đến thế ?  Phải chăng nghiệp lực, nhân quả luôn bên cạnh ta như hình với bóng.

     Sáng ngày 2 tháng 3, bánh xe lại tiếp tục lăn mang theo bao nỗi niềm trăn trở đến Chùa Thanh Sơn, Thị Trấn Chí Thanh, Tỉnh Phú Yên.   Mỗi bước chân đi, chúng tôi mang theo bao ân tình của những tấm lòng nhân ái ở phương xa về xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh.  Thật cảm động khi chúng tôi gọi một bác lên nhận xe lăn, bác ấy dù chân đi rất yếu nhưng đã từ chối để nhường phần quà đáng giá này cho một bác khác yếu hơn mình.  Bác đã thể hiện tinh thần “lá rách đùm lá nát”, một tấm gương của hạnh bố thí mà không cần đợi đến khi có tiền của ngập tràn mới thể hiện được.  

  

      Tại đây, 50 đối tượng được nhận gạo định kỳ hằng tháng và 17 em học sinh nghèo đã được Hội cấp học bổng cách đây gần 1 năm.  Chuyến này về Hội tặng quà đột xuất cho 20 em học sinh nghèo khác mà Hội chưa đủ khả năng cấp học bổng, 10 xe đạp, 10 chiếc xe lăn và 106 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ.

     Cũng trong ngày này, sau khi phát quà xong tại Chùa Thanh Sơn, chúng tôi lại lên đường trực chỉ theo hướng bắc đến Chùa Thiên Phước, Xã Phú Tài, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định.  Đường càng ngày càng khó đi.  Có những hố sâu nứt nẻ, những vòng tròn cong quẹo.  Bụi và sỏi đá làm chúng tôi càng xót xa hơn cho những người dân sống sâu xa mịt mù miền núi.

      Chúng tôi đã trao tặng 54 suất quà định kỳ hằng tháng và 19 em  được bảo trợ học bổng cách đây 1 năm.  Chuyến này về chúng tôi tặng thêm quà đột xuất cho các em và 19 em khác chưa được Hội bảo trợ.   9 chiếc xe đạp cho những em nào thiếu phương tiện đến trường để phần nào động viên, giúp đỡ các em có thêm niềm tin tự vươn lên trong học tập mặc dù khó khăn quá dài vẫn còn ở phía trước.        

     Sau khi phát quà, chúng tôi đến thăm hoàn cảnh 2 cụ già đã 80 tuổi neo đơn sống trong căn nhà lụp xụp, không con và không có 1 nguồn thu nhập gì để sinh sống.  Ước mơ của ông cụ là có được 1 chiếc quan tài cho ngày xả bỏ báu thân , nhưng khi mà cái ăn còn chưa no lòng thì niềm ước mơ nho nhỏ ấy chưa bao giờ thành hiện thực.  Chúng tôi không chần chừ, mỗi người đóng góp một chút tịnh tài giúp cụ thục thiện ước mơ nho nhỏ ấy.  Cụ nhận số tiền với với nụ cười thầm cảm ơn sâu sắc đến tất cả mọi người.

      Từ Bình Định, xe chúng tôi vượt lên miền cao nguyên tỉnh Đắc Lắc cho buổi phát quà tại Chùa Phổ Tịnh, Huyện Cupur, Tỉnh Đắc Lắc vào ngày 4/3/2014.  Người dân nơi đây sống đơn thuần nay đây mai đó.  Họ làm thuê làm mướn, cắt cỏ, cạo cao su, lặt hạt điều hay bất kỳ ai gọi gì làm nấy, miễn sao có cơm ăn lúc ấy là được.  Ngày nay, con em của họ đã biết vươn mình lên bằng những kiến thức do người Kinh mang lại.  Ngoài việc làm mướn ra,  các em còn phải chăm chỉ học hành.  Chúng tôi đặc biệt quan tâm nhiều đến thế hệ tương lai, mầm non của đất nước.  59 đối tượng được cấp gạo định kỳ hằng tháng cách đây trên 3 năm.  23 suất hoc bổng cho các em học sinh nghèo được cấp cách đây 1 năm.  Chuyến này về đoàn tặng quà đột xuất cho 30 em khác và 102 xuất quà cho những hoàn cảnh khó khăn chưa được hội bảo trợ.

      Một lần nữa, chúng ta lại thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.  Bằng tất cả tình thương và lòng nhân ái của mình, chúng tôi đã thắp lên ngọn lửa yêu thương giúp họ vượt lên trên khó nghèo và bất hạnh để tương lai không bị vùi lấp.

     Vượt chặng đường dài đèo dốc, 1h chiều ngày 6/3 chúng tôi về đến Chùa Đức Hạnh, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước.   Hầu hết người dân nơi đây thuộc dân tộc Sa Tiêng.  Chúng tôi đến trước giờ đã hẹn nên tranh thủ đi thăm 3 hoàn cảnh mà Hội đã trao tặng 3 căn nhà tình thương.  Trước kia 3 trường hợp đặc biệt này không có nhà hoặc chỉ ở tạm trong những túp lều che tạm bằng những tấm nilon.  Trước nhất, chúng tôi ghé thăm cô Tzhiền, người dân tộc S’Tiêng, sống độc thân, bị mất một chân từ năm 12 tuổi và dùng nạng làm phương tiện đi lại.  Cô đóng căn lều bằng mấy tấm bạt để nấu ăn và trú ngụ khi trời đổ mưa.  Nhưng những tấm bạt đó đã theo gió tróc bay hết, chỉ còn lại những sườn cọc trơ trọi.  Sau khi khảo sát và tham hiểu về cuộc sống của cô ấy, chúng tôi quyết định tặng cho cô một căn nhà tình thương, đồng thời giúp gạo hằng tháng.  Nay gặp gỡ những người đại diện cấp cho cô căn nhà mới, sự vui mừng hiện lên trên nét mặt của cô với ánh mắt đầy lòng biết ơn sâu sắc.

     Cũng tại đây, chúng tôi ghé thăm nhà anh Pường.  Anh là người duy nhất mang lại nguồn sống cho gia đình gồm tám người, trong đó có một người con tâm thần.  Sau khi bị tai nạn giao thông, anh không có khả năng làm việc trong một thời gian dài.  Cả gia đình sống dưới mái nhà tranh nóc đã bị dột nát nhiều nơi, vách bị loang lổ nhiều chổ.  Vợ chồng con cái đều sinh hoạt chung trong một phạm vi rất nhỏ dùng làm chổ nấu ăn, ngủ nghỉ hay học hành.  Chúng tôi đã bảo trợ học bổng cho một em học sinh giỏi trong gia đình anh.  Mong rằng em cố gắng vươn lên vượt qua những khó khăn để có thể trở thành người nâng cao cuộc sống cho gia đình. 

     Khi chúng tôi trở lại chùa và chứng kiến hình ảnh từng cụ già yếu đuối, tàn tật được bế ngồi vào từng chiếc xe lăn trông thật đáng thương.  Đâu đó chúng tôi nghe được câu ca: “Xin cảm ơn đời vì đời kết nghĩa yêu thương, xin cảm ơn người vì người đã mang lại niềm vui trong tình thương yêu nhân loại”.  Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Loan, người mẹ 35 tuổi phải hết sức khó khăn nuôi dưỡng một người con bệnh bại não nay đã hơn chục năm nay .  Ngoài ra, bà còn nuôi thêm 2 người con đang trong tuổi đi học.  Chồng cô lao động nuôi toàn thể gia đình bốn người thật vất vã với đồng lương quá ít ỏi.

 

     Sáng ngày 7 tháng 3 năm 2014, như thường lệ, trước khi đến một ngôi chùa nào, chúng tôi niệm phật cầu gia hộ cho đoàn được bình an vô sự.  tiếng niệm phật vang vọng trong xe đưa đoàn chúng tôi quay về với hơi thở, giữ tâm an bình và thân bớt nhọc để tiếp tục cuộc hành trình.          

    Bánh xe lại tiếp tục lăn, mang theo bao tấm lòng đong đầy tình nghĩa đồng bào, vượt qua con đường làng quê đến Chùa Kỳ Viên – Sóc Lớn, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước.  Ngôi chùa xinh đẹp này nằm trong vùng quê nghèo là điểm tựa tâm linh của bà con người dân tộc Khơme. 

      Trụ trì Chùa là  Sư Thích Pháp Quyền (còn gọi là Sư Thạch Nê), nằm sát biên giới Campuchia nên có sắc màu truyền thống dân tộc bạn .  Sư cho biết chùa này tập trung tổng cộng 50 chú tiểu, hầu hết là mồ côi hoặc hoàn cảnh quá bần cùng, được Sư đem về nuôi nấng, dạy chữ và đạo đức.  Cuộc sống đồng bào xung quanh đây rất cơ cực.  Hằng ngày, họ đi làm mướn, cạo cao su, hột điều, làm cỏ thuê, hốt phân bò sống qua ngày.  Hội Từ Thiện Bàn Tay Nhân Ái  theo tinh thần từ bi, không phân biệt màu da, tôn giáo.  Miễn nơi nào thống khổ mà hội biết đến đều được hội cố gắng quan tâm.

      Nơi đây Đoàn đã trao tặng 61 suất quà định kỳ hằng tháng, 5 chiếc xe lăn, 20 xuất quà , 20 xuất  học bổng, 10 xe đạp để các em học sinh nghèo tiếp tục đến trường và 143 xuất quà đột xuất cho những gia đình kém may mắn với mong muốn giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt và tin vào một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

    Sau chuyến hành trình trao quà từ thiện tại các tỉnh Miền Trung và miền đất đỏ Cao Nguyên, xe chúng tôi tiếp tục lên đường về với các tỉnh Miền Tây sông nước.  Đằng sau vẻ nên thơ của những dòng kênh, con đò, những rặng dừa xanh, vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh đang gặp phải những khó khăn cần sự quan tâm chia sẻ.

     Sáng ngày 8/3, chúng tôi đến Chùa Liên Hoa, Xã Vang Quế Tây, Huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre.  Dưới sân chùa, bà con nghèo đón đoàn chúng tôi với tất cả sự hào hứng mong chờ.  56 xuất gạo định kỳ hằng tháng đã được cấp ở nơi này trên 3 năm.  Chuyến này về, Hội thăm hỏi và tặng thêm quà cho họ.  20 xuất quà cho các học sinh nghèo hiếu học và 143 xuất quà đột xuất cho các hoàn cảnh khó khăn.

     Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh anh em ông Đồng Văn Chẵng.  Cả hai anh em đều bị tật bẩm sinh, nương nhau sống trong một mái nhà.  Ông Chẵng có một người con trai năm nay tròn 18 tuổi.  Mẹ em vì cuộc sống quá khổ nên rời khỏi ông Chẵng và để lại đứa con trai từ khi em còn rất nhỏ.  Nay em phải nghỉ học để đi làm thuê nuôi cha và người cô tật nguyền của mình.  Một mình em gánh vác quá nặng và tương lai không biết sẽ về đâu.

       Mỗi bước chân đi về vùng quê nghèo nào đó, chúng tôi đều mang theo một chút hơi ấm tình người, mong làm điểm tựa tinh thần cho bà con có thêm nguồn sinh lực mới vượt qua những ngày tháng còn lại của cuộc đời

.

       Tiếp tục cuộc hành trình, Chùa Phước khánh, Xã Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre là chiếc cầu nối để chúng tôi gặp gỡ san sẻ tấm lòng của những người con Việt xa quê, đã đóng góp từng đồng hướng về quê nhà bằng tất cả trái tim yêu thương và lòng nhân ái.  Vùng này có rất nhiều người khuyết tật.  Nhiều trẻ em bị tật bẩm sinh, bại não lớn dần theo thời gian nhưng lại không thể ngồi được.  Có những em đã 24 tuổi mà trông như 8, 9 tuổi vì thiếu dinh dưỡng.  Vì đâu nên nổi những hoàn cảnh như thế ?  Vì sao có những người giàu, kẻ hèn ?  Vì sao có những người đẹp, kẻ tật nguyền ?  Vì sao có những người quyền quí, bên cạnh đó lại có những kẻ bần cùng ?  Phải chăng  là 2 tiếng nghiệp quả ?.

Nơi đây có 56 suất gạo định kỳ hằng tháng đã được Hội bảo trợ trên 3 năm, 16 phần học bổng, 40 xuất quà cho những em học sinh nghèo, 5 chiếc xe đạp cho các em học sinh không có phương tiện đến trường, 9 chiếc xe lăn cho những người khuyết tật và 140 phần quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự trợ giúp.  Bà con đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những trái tim nhân ái trong và ngoài nước đã thể hiện lòng yêu thương, san sẻ và đùm bọc trong 2 tiếng đồng hồ.

     Sáng ngày 9 tháng 3, trên 200 đối tượng nhận quà đã chờ sẵn tại sân chùa Chùa Thiên Phước, Huyện Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang.  Trong số này có 48 trường hợp đã được Hội trợ cấp gạo hằng tháng trên 3 năm, 103 trường hợp  được trợ giúp đột xuất, tặng 13 xe lăn cho những người không còn khả năng đi lại, 30 phần cho 30 em học sinh, trong đó có 23 em được cấp học bổng, 12 chiếc xe đạp cấp cho học sinh nghèo thiếu phương tiện đến trường.

       Sau khi phát quà, đoàn đến thăm vài gia đình.  Trong đó có trường hợp gia cảnh của em học sinh mà Hội đã bảo trợ học bổng.  Gia cảnh của em thật đau buồn.  Em phải gánh trên đôi vai bé nhỏ một người mẹ vì quá đau khổ khi bị chồng bỏ rơi và hiện nay bà đang đi vào tình trạng tâm thần, bên cạnh đó người anh trai đã bị tâm thần từ hơn mười năm nay.  Họ sống trong một mái nhà tranh bốn bề trơ vách và dột nát.  Nhưng em không vì thế mà ngã quỵ, em vươn lên tìm mưu sinh nuôi mẹ và anh trên đôi chân nhỏ xíu của mình.  Tôi ôm em vào lòng để chuyển tải lòng nhân ái đến với em.  Vì biết em rất thiếu tình thương, cần mẹ cần cha, cần trái tim ấm áp của các nhà hảo tâm.  Tiền Giang ơi, ruộng lúa nơi đây phì nhiêu quá, nhưng sao em tôi không có đủ gạo để ăn.

       8h sáng ngày 10 tháng 3, đoàn đến chùa Chánh Niệm-Vĩnh Long.  Cuộc sống nơi đây không ngừng phát triển, nhưng bên cạnh sự sầm uất đó vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh.  Nơi đây, chúng tôi đã trao tặng 60 suất gạo định kỳ hằng tháng trên 3 năm.  20 suất quà và 19 suất học bổng cho những em học sinh nghèo, 10 xe đạp cho các học sinh nghèo hiếu học, 100 phần quà đột xuất cho các gia đình nghèo khó.

      Về thăm bà con lần này, chúng tôi chứng kiến nhiều thân phận mà không sao cầm lòng được, như trường hợp em Lý Trọng Nhân.  Từ khi vừa mới chào đời, em đã bị dị dạng bẩm sinh không có hai chân, cha mẹ bỏ nhau và để em lại cho bà ngoại nuôi.  Năm tháng đã qua đi đến lúc tuổi đã xế chiều, bệnh tật tái phát, bà không còn khả năng đi làm lo cho em được nữa.  Cảm nhận được sự thiếu thốn khó khăn của gia đình, sau giờ tan học, em vội lăn xe về nhà phụ giúp bà bằng nghị lực bản thân vượt qua số phận.  Hằng ngày, cái dáng nhỏ bé ấy lăn xe lang thang trên khắp nẻo đường bán từng tờ vé số, cầu mong kiếm ít tiền về phụ bà trong những lúc khó khăn.  Sự nổ lực ấy đối với em là niềm vui, hạnh phúc nhỏ bé bên mái tranh nghèo. 

     Lần này, Thầy trưởng đoàn có dịp tâm sự cùng mọi người.  Thầy đã nhấn mạnh những tấm lòng vàng từ các nhà hảo tâm.  “Những ân nhân có mặt và những ân nhân không có mặt đều nghĩ đến quý vị, họ cũng chắt chiu nhín nhịn để chia sẻ cùng quý vị.  Có những vị đã hết tiền nhưng cuộc hành trình còn dài quá nên phải gọi người nhà gởi qua để kịp thời giúp đở những địa điểm kế tiếp”…. , Thầy  xúc động nghẹn ngào,  những thiện nguyện viên chúng tôi cũng nhỏ những giọt lệ đồng cảm cùng Thầy . 

      Chia tay miền đất Vĩnh Long, bánh xe cuộc hành trình lại lăn, mang theo bao tấm lòng yêu thương tình nghĩa đồng bào và dừng bánh trên miền đất làng quê sông nước còn  nhiều cảnh đời nghèo khó .  Đường làng quá nhỏ hẹp nên xe của chúng tôi không vào tận nơi được mà phải sang phà nhỏ để đến chùa Bửu Sơn thuộc Huyện Tân Hiệp, Tỉnh Kiên Giang. Ngôi chùa xinh đẹp này nằm sát con lạch.  Đó cũng là con đường thủy cho các phương tiện ghe, thuyền chuyên chở hàng hóa qua lại nơi đây.

     Khi phà cập bến các cụ già, các em thơ, người tàn tật, các bà mẹ đón đoàn trong niềm  hoan hỷ.  Nơi đây đoàn đã trao tặng 10 căn nhà tình thương cho 10 gia đình nghèo có hoàn cảnh khốn khổ, nhà cửa xiêu vẹo, vách lá tả tơi.  Chúng tôi đã cấp 48 suất gạo định kỳ hằng tháng cho các cụ già, và 16 suất học bổng, 5 xe đạp,19 suất quà đột xuất cho những em học sinh nghèo chưa được hội bảo trợ, 44 xe lăn cho những người tật nguyền và 103 suất quà đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn.

     Nơi đây có rất nhiều trường hợp mang bệnh bại não và tật bẩm sinh.  Anh Huỳnh Thanh Hoài 32 tuổi, bị tật từ khi lọt lòng, sống với mẹ già và người chị tâm thần, người em không chịu nổi gia cảnh nên đi hoang.  Chúng tôi gạt dòng lệ và thay vào đó là sự lắng nghe, tập cho mình thấu hiểu những mảnh đời bất hạnh.

      Chiều cùng ngày chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến chùa Vĩnh Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Bà con nơi đây đa phần làm nghề nông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.  Ai không có ruộng đất phải bương chải làm thuê, gánh mướn, kiếm từng miếng ăn hàng ngày ở trên các miền quê và đang chờ đợi những bàn tay nhân ái chia sẻ.  Nơi đây 40 trường hợp được bảo trợ gạo thường xuyên. 15 xe lăn cho những người tàn tật, 17 suất  học bổng và 20 suất quà cho những em học sinh nghèo khác. 12 xe đạp cho các em học sinh nghèo thiếu phương tiện đến trường và 100 phần quà gạo đột xuất cho những cảnh đời nghèo khó

      Suốt cả một cuộc hành trình, những miền đất chúng tôi đi qua là những dấu ấn  không thể nào quên.  Bao nhiêu nụ cười và nước mắt, những câu chuyện đời đầy bất hạnh ở mỗi hoàn cảnh là những nỗi đau.  Nếu có được 1 điều ước duy nhất lúc này chúng tôi sẽ Ước gì có một phép màu nào đó  hóa giải cho tất cả những cảnh đời nghèo khó  thoát khỏi kiếp sống cơ hàn và được sống trong tình yêu thương nhân loại.

      Các thiện nguyện viên đã không ngại đường xa hơn nữa vòng trái đất về quê nhà để trao tận tay từng đồng, từng gói quà, từng phiếu học bổng và xây dựng những căn nhà tình thương.  Họ là những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm, những người có tấm lòng vàng đồng thời họ cũng là những người khuân vác từng bao gạo, ẩm bồng từng cụ già què liệt và có khi  lội bộ hàng dậm đường để mang niềm vui đến cho mọi người.  Hy vọng những sự đóng góp đó sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho mọi gia đình, làm tươi lại nụ cười của những người bất hạnh.

     Nhìn tôn tượng đức Quan thế Âm Bồ Tát với một màu trắng thanh thoát đang nở nụ cười từ bi, một ánh mắt nhân từ như đang dõi theo đàn con đang gieo hạt giống từ bi cho những mãnh đời bất hạnh.

 

 

 

 

Biển Hồ Tonle Sap

(Cứu trợ vùng Biển Hồ 2014)

 

     Tạm biệt miền Tây sông nước, sáng ngày 12/3 bánh xe hướng thiện của chúng tôi lại lăn, vượt qua cửa khẩu Hà Tiên để vào vùng đất Campuchia.  Sau khi nghỉ 1 đêm tại thủ đô Pnom Penh, chúng tôi đi về hướng tây bắc để vào vùng biển hồ Tonle Sap.  Đây là biển hồ (theo ngôn ngữ Việt Nam) kết hợp giữa hồ và dòng rẽ của sông Mêkong, là hồ nước ngọt lớn nhất vùng đông Nam Á.  Đoàn dừng lại tại vùng hồ Busap, tỉnh Pursap để phát quà cho 700 gia đình người Việt đang sinh sống tại đây.

     Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết:  Vào thời ông bà của họ sống ở những làng chài nhỏ thuộc các tỉnh Miền Tây sông nước.  Vì cuộc sống nghèo khổ, khó khăn nên nhiều bà con trong làng rủ nhau ngược dòng sông Mê Kông, lên tận biển hồ Tonle Sap tiềm kế sinh nhai.  Trải qua bao thời kỳ biến đổi thăng trầm, nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên vùng sông nước này.  Cuộc sống cứ lênh đênh trên những con xuồng nhỏ trôi theo chiều nước, lặn lội kiếm sống từng ngày, bất kể mưa nắng.  Cho dù đôi tay chai sần, đôi vai mỏi mòn, và mái tóc đã bạc dần theo năm tháng để mong tìm được bến đổ bình yên cho cuộc đời mình, nhưng ước mơ ấy cứ dần dần xa cách họ.

    Ở khu vực này, nhiều nơi không có điện, không có nước sạch, không có trạm y tế.  Người dân nơi đây sống lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ, dựa vào biển hồ với nghề đánh bắt thủy sản để mưu sinh.  Con em của họ ít được học hành, ngày ngày theo cha mẹ trên những chiếc xuồng nhỏ ngang dọc trên biển hồ đánh bắt cá kiếm sống.  Còn có em bám theo mẹ, đeo theo những chiếc thuyền du lịch để cầu xin những khách du lịch ban cho chút tình thương để lo cho cuộc sống của họ.

    Khi thuyền đã đưa chúng tôi đến được địa điểm tập trung phát quà, mọi người chèo xuồng nhỏ đến rất đông.  Nhìn những ánh mắt thơ ngây, mái tóc vàng hoe, khuôn mặt đen xì lấm lem mà lòng chúng tôi trào dâng bao niềm thương cảm.  Biết làm sao hơn, trong tâm trạng bùi ngùi, chúng tôi phát những phần quà gồm gạo, mì và tịnh tài từ tấm lòng của những người con xa quê trên đất khách quê người, mong họ sớm vượt qua cảnh đói nghèo.

     Hôm sau chúng tôi tiếp tục phát 700 phần quà tại vùng Biển Hồ Siêm Riệp, một trong những địa điểm xung quanh hồ Tonle Sap có người Việt tập trung đông đảo nhất.  Hàng trăm chiếc thuyền từ khắp phương hướng đổ về địa điểm phát quà. Vì quá đông nên   mặt mọi người tỏ vẻ lo sợ quà sẽ hết, đôi tay họ cố chèo cho mau, mồ hôi tuôn nhuể nhoại.  Quá xót xa trước cảnh tượng ấy, chúng tôi tận tay chuyển từng bao gạo, từng thùng mì và tịnh tài xuống thuyền như chuyên chở tình yêu thương mà những nhà hảo tâm ở khắp mọi nơi đang quan tâm đến những mảnh đời bấp bênh trên sóng nước.

     Trong mắt chúng tôi đượm nỗi buồn thương xót khi nghĩ đến cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây đã khép kín trong vòng bần cùng số kiếp.  Nỗi lo lắng hiện tại, ngày mai vẫn là chén cơm manh áo chưa đủ thì lấy gì nghĩ đến chuyện học hành của con cái, một tương lai mờ mịt không điểm tựa, không biết đâu là bến đổ bình yên.  Chỉ biết rằng cuộc sống đang dần héo hon theo cái nắng chói chang của biển hồ.  Rồi mai này con thuyền của họ buông theo dòng nước đi về đâu khi mà nguồn thủy sản biển hồ mỗi ngày dần cạn kiệt.  Điều trăn trở đó đang chờ đợi những tấm lòng nhân ái khắp mọi nơi. 

       Sau khi phát quà xong, chúng tôi đến thăm vài gia đình để tìm hiểu thêm đời sống của người dân nơi đây và tìm cách giúp họ sau này.  Chúng tôi đến thăm vợ chồng bà Trần thị Cam.  Chồng bà bị tai biến đột quỵ còn bà bị ung thư ngực.  Họ không có tiền để chữa bệnh, mà cũng không có thời gian để nhập viện.  Tuy bệnh nhưng bà phải chăm sóc ông trên chiếc bè cũ nát.  Họ ôm những cơn đau hành hạ từng cơn mà không thấy một chút ánh sáng hy vọng.

     Thêm một hoàn cảnh nữa cũng rất đáng thương.  Hai vợ chồng đều bị tai biến nọ khi gặp chúng tôi, ông cúi đầu ngậm ngùi cho thân phận và bật khóc cho cuộc đời quá khốn cùng của mình.  Đó là ông Trần văn Sang, 67 tuổi.  Vợ chồng ông từ Việt Nam sang Campuchia tìm kế sinh nhai từ năm 1970,  sau đó họ không thể về nước được và trở thành ngư dân vùng biển hồ, sống bồng bềnh trên chiếc bè bé nhỏ.  

      Ánh nắng chiều xế bóng, thuyền chúng tôi rẽ nước xuôi vào bờ đến ngôi chùa nho nhỏ để trao tặng 200 phần quà cho những gia đình người Campuchia nghèo đang sinh sống trong vùng này.  Thật khó tả hết niềm vui và hạnh phúc giữa người trao tặng và người đón nhận. Tuy vật chất không nhiều nhưng mọi người cảm nhận tình thương được gửi gắm trong đó

.

     Ánh sáng mặt trời đã hé những tia sáng cuối cùng của một ngày.  Tạm biệt biển hồ, chúng tôi nhìn về phía chân trời xa xôi với một chút tĩnh lặng để hiểu và thương.

                         Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dây,

                         Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

     Nơi đây là điểm phát quà cuối cùng của chuyến từ thiện xuyên việt lần thứ 7 và biển hồ Campuchia.  Chúng tôi xin thay mặt Hội từ thiện Bàn Tay Nhân Ái chân thành cảm ơn những tấm lòng từ bi nhân ái của các nhà hảo tâm, quý mạnh thường quân, những đạo hữu đã sát cánh cùng hội trong thời gian qua.  Trong những cuộc hành trình tiếp theo, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm đồng hành của quí vị, để có thêm nghị lực giúp đỡ những số phận kém may mắn ở khắp mọi nơi.

     Chúc quí vị và gia đình thân tâm thường an lạc, Vạn Sự Kiết Tường.

 

Thế giới hoà bình
       Gia đình hạnh phúc
      Muôn người như một
     Pháp khởi Phật Tâm
     Đồng hành việc thiện
Cứu giúp chúng sanh.